Tuesday, June 16, 2020

Hà Nội: hàng trăm ngôi nhà chực đổ xuống Sông Đáy

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội phải sống trong nơm nớp lo sợ khi nhà cứ chực đổ ụp xuống sông. Người dân đã dùng đất đá, thậm chí làm bờ kè để giữ nhà nhưng không cản được sức nước.

Gần trăm triệu đồng đổ ụp trong đêm

Xóm 6 và xóm 8 của xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ nằm bên bờ hữu sông Đáy. Cuối chiều mà nắng nóng vẫn ngột ngạt, khó chịu. Bà vợ ông Phạm Văn Thi phải bỏ dở sân thóc đang quạt, chạy xuống hiên nhà ngồi hóng gió. Từ hiên nhà này bước ra chỉ khoảng 2m là hun hút lòng sông. Nhìn sang bên kia là bãi bồi của huyện Thanh Oai, trâu bò thong dong gặm cỏ, hoa màu tươi tốt. Bà Thi (ở đây, người dân gọi vợ bằng tên của chồng) thở dài thườn thượt: “Gần mười năm trước, vườn bưởi nhà tôi còn ra đến kia” - bà chỉ xuống lòng sông - “Mà rồi cứ sạt dần, giờ chẳng còn cây bưởi nào nữa. Lắm lúc, nhìn sang bãi bồi bên kia mà thèm”.

Bế đứa con hai tuổi bên hông, chị Nguyễn Thị Hồng bảo: “Giờ cháu không dám mơ đến vườn tược gì nữa, vì nhà còn không giữ được”. Gần mười năm nay, năm nào, đất nhà chị Hồng cũng lở xuống sông. Cách nay khoảng hai năm, vợ chồng chị vay mượn tiền, xây ngôi nhà mái bằng rộng 30m2: “Lúc đó, mé sông còn cách nhà độ ba, bốn mét nên vợ chồng tôi mới liều xây”. Đang trả dần nợ xây nhà thì nạn sạt lở ngày càng dữ dội, mép sông lấn vào sân nhà. Vuông sân ấy cũng nứt, tách hẳn khỏi ngôi nhà. Phía sau nhà là đống rơm tròn xoe. Không rõ bằng cách nào, dòng sông đã lấy đi đất đá theo đúng nửa vòng tròn của đống rơm, kéo mãi vệt sạt vào tận gốc sung to ven đường. Từ gốc sung, nhìn vệt sạt như hình cánh chim in thẫm trong ráng chiều.
Hà Nội: hàng trăm ngôi nhà chực đổ xuống Sông Đáy
Bờ kè đá hộc trị giá 500 triệu đồng trước đình Lưu Xá, xã Hòa Chính bị sóng đánh vỡ

Ông Phạm Văn Bằng ngồi ở sân trong. Ông mới đi mổ về, trên bụng còn dăm miếng gạc trắng. Hỏi chuyện lở đất, ông chỉ tôi cánh cửa - như bao cánh cửa của công trình phụ khác, nói giọng mệt mỏi: “Cô chỉ cần mở cái cửa này ra là hiểu. Nhưng nhớ nhẹ nhàng, cẩn thận, mở xong phải đứng im nhé”. Tôi rón rén kéo chốt, cánh cửa mở khiến tầm mắt tôi chạm thẳng xuống sông. Ông Bằng thở dài kể, trong một đêm mưa hơn một năm trước, khi cả nhà ông đang ngủ thì nghe những tiếng “ầm ầm”, “ùm ùm”. Mọi người tưởng là tiếng sấm. Sáng ra, ông Bằng mở cửa nhà vệ sinh thì toàn bộ công trình phụ đã bị hà bá “nuốt” mất, gần trăm triệu đồng đổ ụp xuống sông, còn một gian nhà thì nứt dọc từ trần xuống tận nền.

Cát sông lại lở xuống sông

Ở xã Hòa Chính, nước sông cũng lẹm vào, cuốn đất đá, cát sỏi theo từng vỉa. Ngoài sáu mươi tuổi, người bé choắt, bà Nguyễn Thị Thụy đã chứng kiến mọi biến đổi của dòng nước trong suốt bốn mươi năm qua. Nhà bà ở ngay mặt đường xóm. Bốn mươi năm trước, từ nhà bà ra phía sông là mấy chục mét bãi bồi, cũng là đất canh tác của gia đình bà. Hằng năm, đến mùa mưa, nước vào tận ngõ. Hồi ấy, bà mới lập gia đình, vợ chồng chỉ dựng được nhà tranh vách đất; năm nào, ông bà cũng phải lấy bùn trộn rơm đắp lại chân vách bị sóng đánh trôi. Sau, ông bà dành dụm, vay mượn tiền, xây được ngôi nhà bằng gạch ba vanh đóng từ xỉ than. “Nhưng rồi cũng không trụ được.Trong bốn mươi năm, gia đình tôi phải dựng nhà đến bốn lần. Sau hai lần xây gạch ba vanh, chúng tôi mới dựng được nhà gạch như hiện nay”.

Trong bốn mươi năm ấy, gia đình bà cũng như hàng trăm, hàng ngàn hộ sống ven bãi bồi sông Đáy đã mua đất, đá, cát về đổ xuống, nâng chiều cao của bãi bồi lên mấy mét như hiện nay. Gia đình bà Thụy chia đất bãi bồi cho hai người em trai dựng nhà. Trong cái ngách nhỏ, anh Ngân, chị Uyên dựng nhà gần sông nhất. Hai vợ chồng cùng bốn đứa con sống trong ngôi nhà cấp bốn nho nhỏ được xây cách đây dăm năm. Cứ ở đâu có vật liệu xây dựng thải ra là vợ chồng anh xin, thuê xe công nông chở về trút xuống bờ sông để nâng cái nền hơn hai chục mét vuông trước cửa. Nhà bà Phương, ông Tiến thì xây bờ tường từ mép sông dựng thẳng lên rồi mua cát đổ vào. Năm ngoái, tường sập, đất cát trụt xuống, cả đàn gà táo tác vì chuồng bị nghiêng, suýt rơi thẳng xuống dòng nước chảy xiết. Ông Tiến giọng trầm trầm: “Cả cái dải dọc từ ngã ba sông Bùi và sông Đáy lên đây, hầu như nhà nào cũng sạt, chỉ khác là sạt nhiều hay ít”.

Chỉ biết sống chung với sạt lở

Trên mé đất nhà ông Thi, có một tấm biển cảnh báo “sạt lở nguy hiểm” cắm ở rìa sông đã hai năm nay. Chính vì thấy “người ta về cắm biển” mà chị Hồng mới quyết tâm xây nhà, vì nghĩ “người ta” đã khảo sát, ghi nhận thế thì sẽ nhanh chóng khắc phục thôi. Thế nhưng, từ đó đến nay, đất vườn, đất nhà vẫn lở xuống sông, chỉ có tấm biển cảnh báo là đứng vững cùng sóng nước. Chỉ sang nhà hàng xóm, nơi có những tường bao gạch, có cả từng bậc kiên cố “thò chân” xuống tận mép sông, chị Hồng bảo: “Nhà nào nhiều tiền thì mới gia cố được, còn chỉ đổ đất đá hay kè bao cát thì đều bị nước cuốn trôi”.
Hà Nội: hàng trăm ngôi nhà chực đổ xuống Sông Đáy
Khoảng sân hẹp đã nứt, tách khỏi nhà của gia đình chị Hồng

Cùng lở đất, nhưng ở xã Hòa Chính, bà con lấn bãi bồi, biến đất bãi thành đất thổ cư, là nhân tạo nên đất không có “chân”, nước cứ thúc vào là lở. Có ngôi nhà dựng trên nền đất bãi từ nhiều năm trước nhưng nước ngập liên miên. Không ở được, vợ chồng, con cái đành dắt nhau đi ở nhờ. Chủ nhà đã đổ đất, ngôi nhà trở nên lọt thỏm, thấp hủm hẳn xuống, đất mới đổ cao đến ngang cửa sổ. Kể chuyện tôn nền, bà Thụy thật thà: “Mấy nhà này là của các em tôi, trước đây thuê tàu hút cát dưới sông Bùi rồi đưa cát ngược từ thuyền dưới sông lên. Giờ lở, cát lại trôi xuống sông hết cả”.

Dưới ngã ba sông Đáy và sông Bùi là đình Lưu Xá, tường bao khuôn viên và tường nhà vệ sinh nứt ngang nứt dọc, cả bờ kè đá hộc kiên cố, trị giá đến 500 triệu đồng cũng bị nước thúc vào, vỡ toang, nằm chỏng gọng dưới sông. Cả di sản cấp quốc gia này cũng đang đứng trước nguy cơ bị hà bá nuốt.

Ở xã Hòa Chính, có gần hai mươi nhà dân bị sạt lở, ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt. Như nhà anh Ngân, chị Uyên, cứ mùa mưa, nước tràn cả vào chân giường. Ở xã Văn Võ, có đến 66 hộ bị sạt lở, mức độ ảnh hưởng thậm chí còn nghiêm trọng hơn bởi đất lở gần đến móng nhà. Còn các nhà bà Thụy, bà Thi, ông Bằng, nước cũng tràn sân. Bà Thụy lắc đầu: "Sạt khiếp lắm, sạt đến mức chúng tôi không thể nào đỡ được”.

Những thảng thốt, cám cảnh của mọi người khiến tôi nhớ đến lời giáo sư Trương Quang Học (Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông bảo, sai lầm lớn nhất của loài người là tưởng mình có thể cải tạo, chế ngự tự nhiên. Song thực tế, thiên nhiên luôn trả lại con người mọi hậu quả của những tác động ngỡ là "sức mạnh" ấy.

Ngoài hai xã Hòa Chính, Văn Võ, các xã Tốt Động, Quảng Bị của huyện Chương Mỹ cũng bị sạt lở nghiêm trọng với những diễn biến phức tạp. Cùng với huyện Chương Mỹ, các huyện Ba Vì, Đông Anh, Sóc Sơn cũng mới được chính quyền TP. Hà Nội đưa vào danh sách cảnh báo sạt lở đê điều. Mùa mưa này, nỗi lo nhà cửa trôi sông của hàng trăm hộ dân lại càng nhiều thêm.

UÔNG NGỌC/ Báo Phụ Nữ

Hà Nội: hàng trăm ngôi nhà chực đổ xuống Sông Đáy Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment