Saturday, June 27, 2020

Bình Dương: Ai đang làm “loạn” câu chuyện phân lô bán nền?

Hai khu đất tại phường An Phú (TP Thuận An, Bình Dương) được quy hoạch là công viên cây xanh, thế nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã được cơ quan chức năng duyệt cho một cá nhân tách trái phép.

Bình Dương: Ai đang làm “loạn” câu chuyện phân lô bán nền?
Khu đất quy hoạch làm công viên cây xanh cách ly cũng bị tách thửa trái phép, biến thành dãy nhà phố

Theo hồ sơ sự việc, hai khu đất tại phường An Phú (TP Thuận An, Bình Dương) được quy hoạch là công viên cây xanh, thế nhưng chỉ trong 18 ngày đã được cơ quan chức năng Bình Dương duyệt cho một cá nhân tách trái phép thành 310 thửa đất ở.

Vụ sai phạm đất đai mang tính hệ thống, quy mô này dù đã có kết luận kiểm tra từ năm 2014, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, nhưng tới nay quá trình điều tra vẫn “dậm chân tại chỗ”. Vì sao vậy?

Hành trình lắt léo của những thửa đất

Theo Kết luận kiểm tra số 250/KL-UBND do UBND Bình Dương ban hành ngày 13/11/2014, từ giữa tháng 6/2013 tỉnh lập đoàn kiểm tra tình hình phân lô bán nền tại TX (nay là TP thuộc tỉnh) Thuận An.
Bình Dương: Ai đang làm “loạn” câu chuyện phân lô bán nền?
Một số khu đất tách thửa trái phép sau này đã được Bình Dương hợp thức hóa

Tại 9 khu đất nông nghiệp, đất quy hoạch công viên cây xanh có tổng diện tích 101.353m2, phát hiện bà Phạm Thị Hường (ngụ Thuận An) cùng chồng Phạm Hữu Đức và hai con Phạm Trọng Khiêm, Phạm Đức Huy đã chia tách trái phép thành 1059 lô đất ở, sang nhượng cho nhiều người.

Trong số 9 khu đất trên, tại phường Bình Chuẩn có 2 khu, tổng diện tích 2,5ha; 6 khu ở phường An Phú, tổng diện tích 7,1ha; 1 khu ở phường Lái Thiêu, diện tích 4.240m2.

Ở thời điểm 2013, theo quy định, với đất đã được quy hoạch là công viên cây xanh, không được phép tách thửa, phân lô bán nền. Với các khu đất nông nghiệp, muốn tách thửa, theo Quyết định 49/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương “quy định diện tích tối thiểu các loại đất được phép tách thửa”, thì có hai trường hợp xảy ra.

Thứ nhất, nếu khu đất có diện tích lớn hơn 2.000m2, phải lập dự án nhà ở. Thứ hai, nếu khu đất diện tích từ 2.000m2 trở xuống thì lập thủ tục tách thửa, chuyển mục đích sang đất ở; muốn phân lô làm nhà ở phải có phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo kết nối hạ tầng kỹ thuật trong khu vực; khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xong và được UBND cấp huyện phê duyệt thì mới được phép tách thửa.
Bình Dương: Ai đang làm “loạn” câu chuyện phân lô bán nền?
Vợ chồng bà Hường và hai con bằng cách cho tặng nhau mà tách khu đất nông nghiệp hơn 100 ngàn m2 ra thành 1059 thửa đất ở

Thế nhưng không lập dự án, không đầu tư cơ sở hạ tầng, không cần UBND TX Thuận An phê duyệt, hơn 10 ha đất nông nghiệp và công viên cây xanh vẫn được tách thửa “miễn phí” cho vợ chồng bà Hường.

Chiêu thức gia đình này thực hiện là sau khi nhận chuyển nhượng những khu đất trên, họ làm thủ tục phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thành nhiều khu có diện tích dưới 2000m2. Sau khi tách thành nhiều khu như vậy, vợ chồng bà Hường tiếp tục tặng cho các con và phân chia tài sản, để tách thành nhiều thửa nhỏ diện tích 42,3m2 – 136,2m2.

Chỉ từ ngày 29/4/2010 – 20/5/2011, bằng phương thức này lặp đi lặp lại, vợ chồng bà Hường ông Đức và hai con Phạm Trọng Khiêm, Phạm Đức Huy đã được cấp 1059 sổ đỏ. Số sổ đỏ này được tập trung ký trong khoảng hơn 30 ngày. Có ngày 17/1/2011, ông Đặng Văn Ba (PCT Thuận An) ký đến 107 sổ đỏ cấp cho gia đình bà Hường.
Bình Dương: Ai đang làm “loạn” câu chuyện phân lô bán nền?
Kết luận kiểm tra số 250/KL-UBND nhấn mạnh những vi phạm trong sự việc “có hệ thống và được lặp đi lặp lại”

Sai phạm nghiêm trọng nhất của gia đình bà Hường trong sự việc trên xảy ra tại hai khu đất công viên cây xanh tại phường An Phú (theo quy hoạch chung xây dựng đô thị Thuận An đến 2020 tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định 1071/QĐ-UBND ngày 12/4/2010 của UBND tỉnh Bình Dương), là khu số 5 diện tích gần 6400m2; khu số 6 diện tích 9900m2.

Chỉ từ ngày 13/5- 31/5/2011, bà Hường đã được tách 1,63 ha công viên này thành 312 thửa, chuyển mục đích sang đất ở 310 thửa. Chưa hết, tại hai khu đất này, đặt ví dụ dù có được phép tách thửa hợp pháp, thì do thời điểm đó An Phú đang là đơn vị hành chính cấp xã, nên đất nông nghiệp ở xã phải đảm bảo diện tích tối thiểu 400m2 sau khi tách. Thế nhưng diện tích này được tách ra thành những thửa chỉ rộng hơn 40m2.

Theo kết luận kiểm tra, những hành vi sai phạm này đã giúp bà Hường hưởng lợi số tiền hơn 41 tỷ đồng chuyển mục đích sử dụng đất. Vì không lập dự án nhà ở, bà Hường còn được hưởng một khoản lợi không nhỏ nữa là không phải bỏ tiền ra để xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu dân cư có tổng cộng 1059 căn nhà.

Những người quan tâm tới bất động sản thời điểm cuối 2014 đầu 2015 đều “nín thở” theo dõi sự việc. Có hai nguyên nhân. Thứ nhất, trước đó vài tháng, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch và quản lý, sử dụng đất trên địa bàn Bình Dương giai đoạn 2006-2011, nêu rõ chất lượng công tác quy hoạch sử dụng đất chưa cao; công tác quản lý Nhà nước về đất đai chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến một số yếu kém sai phạm như tình trạng các hộ gia đình, cá nhân phân lô bán nền trên địa bàn Thuận An diễn ra khá phổ biến.

Thứ hai, với vợ chồng bà Hường là đối tượng trực tiếp vi phạm, nếu sự việc này được xử lý, thì chưa bàn đến việc có hay không trách nhiệm hình sự, nỗi lo lớn nhất là sẽ có thể chấm dứt sự nghiệp kinh doanh bất động sản.

Luật Đất đai quy định với những DN vi phạm quy định pháp luật về đất đai, sẽ bị đưa vào “sổ đen”, không được giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.
Bình Dương: Ai đang làm “loạn” câu chuyện phân lô bán nền?

Bình Dương: Ai đang làm “loạn” câu chuyện phân lô bán nền?
Thời điểm 2014, Phó Chủ tịch tỉnh Trần Văn Nam làm nhiệm vụ theo dõi chỉ đạo các lĩnh vực TN&MT; xây dựng, quy hoạch, quản lý đô thị

Sự việc lâu không xử lý dứt điểm, trách nhiệm thuộc về ai?

Trở lại với UBND Bình Dương, đã tỏ rõ nhận thức về sự nghiêm trọng của vụ sai phạm này, khi kết luận kiểm tra nêu rõ vi phạm trong việc tách thửa, chuyển mục đích sử dụng, phân lô bán nền này là “có hệ thống và được lặp đi lặp lại trong một thời gian ngắn có dấu hiệu tiêu cực”.

Kết luận kiểm tra nêu rõ tên các tổ chức, cán bộ sai phạm trong vụ việc. Chính quyền Thuận An được xác định nhìn thấy rõ sự việc bất thường nhưng bỏ qua những cảnh báo kiến nghị của cấp dưới; dẫn đến tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp với quy mô lớn, ảnh hưởng cảnh quan đô thị và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Về PCT UBND Thuận An Đặng Văn Ba, cố ý vi phạm các quy định quản lý sử dụng đất. Khi sai phạm xảy ra, cấp dưới đã báo cáo xin ý kiến nhưng vẫn tiếp tục chỉ đạo cấp dưới làm sai trái, làm thất thu ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Về Trưởng phòng TN&MT, Giám đốc Văn phòng ĐKQSDĐ và một loạt cán bộ văn phòng; lãnh đạo các phường… cũng bị xác định cố ý tham mưu sai, vi phạm quy định quản lý đất đai.

Được biết thời điểm này ông Trần Thanh Liêm đang là Bí thư TX Thuận An. Thời điểm này Thuận An cũng đang làm hồ sơ đề nghị TW trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Về phía UBND tỉnh, trước và sau thời điểm này, Phó Chủ tịch tỉnh Trần Văn Nam là người theo dõi chỉ đạo lĩnh vực đất đai, quy hoạch tại Bình Dương.

Theo Quyết định 1910/QĐ-UBND ngày 1/7/2010, ông Nam làm Tổ trưởng, Trưởng ban, Chủ tịch Hội đồng của Hội đồng bán đấu giá QSDĐ, Ban chỉ đạo cấp “sổ đỏ” tỉnh Bình Dương, Ban chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất, tổ giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai…

Theo Quyết định phân công công việc của UBND Bình Dương số 1322/QĐ-UBND ngày 9/6/2014, ông Nam làm nhiệm vụ Phó Chủ tịch thường trực, theo dõi chỉ đạo các lĩnh vực TN&MT; xây dựng, quy hoạch, quản lý đô thị; quản lý công tác khối thu ngân sách… theo dõi và chỉ đạo các đơn vị Sở TN&MT, Xây dựng, Cục Thuế…

Theo Quyết định phân công công việc của UBND Bình Dương số 95/TB-UBND ngày 8/6/2015, ông Nam khi này đã được bầu làm Chủ tịch tỉnh, vẫn chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, tài nguyên môi trường, công tác đấu giá đất, giá đất… theo dõi và chỉ đạo các đơn vị Sở TN&MT, Tài chính…

Trở lại quá trình xử lý vụ sai phạm, kết luận kiểm tra nhấn mạnh: “UBND tỉnh thống nhất chuyển CQĐT Công an tỉnh làm rõ”.

Ngày 12/12/2014, Thanh tra Bình Dương ra công văn số 293/TTr-NV2 chuyển hồ sơ sự việc đến Công an và VKSND tỉnh Bình Dương. Ngày 31/12/2014, Công an Bình Dương tiếp nhận hồ sơ.

Về phía VKSND Bình Dương, quá trình kiểm sát đã ban hành các yêu cầu xác minh số 320 ngày 13/1/2015, kiểm sát hồ sơ 2 lần vào ngày 20/3/2015 và 18/6/2015, nhưng sau đó gặp khó do hết thời hạn giải quyết theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC “về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”.

Về phía cơ quan CSĐT Công an Bình Dương, từng có ý kiến cho rằng vụ việc này “do liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai nên việc thu thập chứng cứ còn gặp khó khăn, cần có thêm thời gian để xác minh, làm rõ hành vi, hậu quả thiệt hại”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương từng nhận được kiến nghị “chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp VKSND tỉnh khẩn trương xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý theo đúng quy định pháp luật, nếu đủ căn cứ thì khởi tố hình sự, không để kéo dài việc giải quyết. Báo cáo kết quả giải quyết về Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng (qua Ban Nội chính TW)”.
Bình Dương: Ai đang làm “loạn” câu chuyện phân lô bán nền?
“Sổ đỏ” chất đống trong nhà.

Thế nhưng bà Phạm Thị Hường đã “thoát nạn” tài tình. Thậm chí hàng trăm căn nhà hình thành từ việc “xẻ thịt” đất công viên, sau này cũng được “đàng hoàng” hợp thức hóa (Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh V, diện tích 1,33ha; Bình Dương giao đất cho Phú Hồng Thịnh và cho chuyển mục đích thành đất ở đô thị ngày 6/7/2017 theo Quyết định số 1784/QĐ-UBND).

Sau này, cả trong những đợt HĐND Bình Dương giám sát công tác quản lý đất đai, vụ việc điển hình sai phạm đất đai trên cũng không được nhắc tới nữa.

Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại các khu đất trên đều đã trở thành những khu nhà ở thương mại, xây các khu phố san sát nhà liền kề, nhà phân lô…

Bà Hường cùng chồng con tiếp tục điều hành, thành lập những công ty mới (Cty TNHH TMDV BĐS Phú Phong, Cty TNHH BĐS Phú Hồng Thịnh, Cty TNHH Quản lý Đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Nam, Cty CP Phú Gia Khiêm Land… đăng ký trụ sở lần lượt tại số nhà 18A, 18B, 18C đường Nguyễn Văn Tiết, Khu phố Bình Hòa, phường Lái Thiêu, TP Thuận An), được Bình Dương giao hàng chục dự án nhà ở thương mại với tổng số đất trên nửa triệu m2.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với một số chuyên gia về lĩnh vực đất đai thì vấn đề ở đây là chính quyền địa phương cùng các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, về quy hoạch và quản lý xây dựng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, rà soát các dự án đầu tư theo hình thức phân lô, bán nền để đảm bảo việc thực hiện đúng trình tự, đủ thủ tục, đúng quy trình đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó, đảm bảo công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp và thị trường.

Theo một vị chuyên gia kinh tế, phân lô, bán nền không xấu, nhưng hiện nay đang bị “biến tướng” nhằm phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư. Bởi sau khi được cho phép thực hiện dự án và đã có Quyết định về việc được phân lô, bán nền thì chủ dự án được thực hiện các công việc cần thiết như công bố thông tin, giới thiệu đến người dân hoặc có thể tiến hành bán đầu giá. Loại hình phân lô, bán nền đang được coi là một trong những “mảnh đất” rất màu mỡ có thể tạo ra khoản chênh lệch địa tô lớn cho các nhà đầu tư.

Bình luận sâu hơn, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng: Đối với các doanh nghiệp địa ốc, với một quỹ đất lớn, có thể là đất nông nghiệp đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, chỉ cần lo chi phí đăng ký, giấy phép cho lô đất lớn của mình, rồi đền bù. Doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản là đã có thể phân lô, bán cho các nhà đầu tư, lợi nhuận thu về lại rất cao, có thể bán giá chênh gấp 10, gấp 20 lần so với giá thành.

Trong khi đó, quỹ đất tại các tỉnh lẻ vẫn còn dồi dào. Với cách làm này, doanh nghiệp vừa không mất vốn lớn, vừa có thể quay vòng vốn nhanh, chưa kể đến việc giá đất tăng do đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, để thực hiện được dự án một cách dễ dàng, không loại trừ khả năng có sự “móc ngoặc”, tiếp tay, “lợi ích nhóm” từ phía cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước.

Và một số cán bộ vi phạm vẫn được thăng chức…Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng Bình Dương cần làm rõ sự việc dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng, có hệ thống này; làm rõ việc ai cản trở điều tra vụ xẻ 1,63ha công viên thành 310 căn nhà; để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; minh bạch vấn đề; tránh việc dư luận nghi ngờ có sự bao che, dung túng, “chống lưng”, lợi ích nhóm.

Chúng tôi sẽ tiếp thục thông tin tới bạn đọc.
Về phía ông Trần Thanh Liêm, thời điểm xảy ra vụ phân lô bán nền nghiêm trọng trên, ông Liêm là Bí thư TX Thuận An. Ngày 28/12/2015, Thủ tướng ký quyết định 2409/QĐ-TTg phê chuẩn ông Liêm làm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Chỉ 3 ngày sau, buổi sáng Giám đốc Sở TN&MT có tờ trình 1025/TTr-STNMT đề nghị cho bà Hường chuyển mục đích sử dụng hơn 8000m2 đất tại phường An Phú làm dự án Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh II; thì buổi chiều ông Liêm đã ký Quyết định số 3610/QĐ-UBND, chấp nhận những đề nghị nêu trên.
Nguồn https://vanhoadoanhnghiepvn.vn/binh-duong-ai-dang-lam-loan-cau-chuyen-phan-lo-ban-nen/

Bình Dương: Ai đang làm “loạn” câu chuyện phân lô bán nền? Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment